Binh lực và kế hoạch Chiến_dịch_Mogilev

Quân đội Liên Xô

Binh lực

Phương diện quân Byelorussia 2 do thượng tướng G. F. Zakharov làm tư lệnh, trung tướng A. N. Bogolyubov làm tham mưu trưởng, trung tướng L. Z. Mekhlis là ủy viên hội đồng quân sự. Thành phần gồm có

  • Tập đoàn quân 33 do trung tướng V. D. Kryuchenkin chỉ huy. Trong biên chế có:
    • Bộ binh: Quân đoàn 62 (các sư đoàn 49, 70, 157), các sư đoàn độc lập 222, 344.
    • Pháo mặt đất: Lữ đoàn lựu pháo 142, Trung đoàn pháo chống tăng 873, Trung đoàn súng cối 538, Trung đoàn phòng không 1266.
    • Thiết giáp: Trung đoàn pháo tự hành 1197.
    • Phòng hóa: Tiểu đoàn 17
    • Công binh: Lữ đoàn hỗn hợp 34.
  • Tập đoàn quân 49 do trung tướng I. T. Grishin chỉ huy. Trong bien chế có:
    • Bộ binh: 3 quân đoàn và 2 sư đoàn độc lập, tổng cộng 8 sư đoàn
    • Pháo mặt đất: 3 lữ đoàn và 8 trung đoàn
    • Súng cối: 4 trung đoàn
    • Katyusha: 3 trung đoàn
    • Pháo phòng không: 2 sư đoàn và 2 trung đoàn độc lập.
    • Xe tăng: 2 lữ đoàn và 1 trung đoàn:
    • Pháo tự hành: 6 trung đoàn.
    • Công binh: 1 lữ đoàn và 4 tiểu đoàn.
  • Tập đoàn quân 50 do trung tướng I. V. Boldin chỉ huy. Trong biên chế có:
    • Bộ binh: 3 quân đoàn và 1 sư đoàn độc lập, tổng cộng 9 sư đoàn.
    • Pháo mặt đất: 2 lữ đoàn và 3 trung đoàn.
    • Súng cối: 1 trung đoàn.
    • Katyusha: 1 trung đoàn.
    • Pháo phòng không: 1 trung đoàn và 2 tiểu đoàn.
    • Pháo tự hành: 2 trung đoàn.
    • Phòng hóa: 2 tiểu đoàn.
    • Công binh: 1 lữ đoàn và 1 tiểu đoàn.
  • Tập đoàn quân không quân 4 do thượng tướng không quân K. A. Vershinin chỉ huy. Trong biên chế có:
    • Máy bay tiêm kích: 2 sư đoàn.
    • Máy bay cường kích: 2 sư đoàn.
    • Máy bay ném bom: 1 sư đoàn và 1 trung đoàn.
    • Máy bay vận tải: 1 trung đoàn.
    • Máy bay trinh sát, cứu hộ: 1 đại đội.
  • Lực lượng dự bị trực thuộc tư lệnh phương diện quân:
    • Bộ binh: 1 sư đoàn.
    • Pháo mặt đất: 2 lữ đoàn
    • Katyusha: 2 lữ đoàn cận vệ.
    • Súng cối: 2 lữ đoàn và 3 trung đoàn
    • Pháo phòng không: 7 trung đoàn và 4 tiểu đoàn súng máy.
    • Thiết giáp: 2 lữ đoàn xe tăng, 1 trung đoàn pháo tự hành, 2 tiểu đoàn trinh sát cơ giới.
    • Công binh: 2 lữ đoàn và 1 tiểu đoàn.

Chỉ đạo hoạt động của Phương diện quân Byelorussia là Đại diện Đại bản doanh, Nguyên soái G. K. Zhukov.

Binh lực tổng cộng của Phương diện quân Byelorussia 2 là 22 sư đoàn bộ binh, 1 đơn vị tăng cường, 4 lữ đoàn xe tăng độc lập, 1 trung đoàn xe tăng, 10 trung đoàn pháo tự hành với tổng quân số 319.500 người. Tập đoàn quân không quân số 4 có 528 máy bay.

Kế hoạch

Theo kế hoạch chung của chiến dịch Bagration, phương diện quân Byelorussia 2 sẽ đảm nhận mũi phụ công ở khu vực chính diện của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm và có nhiệm vụ găm giữ chủ lực của Cụm Tập đoàn quân này, không cho nó chuyển quân sang chi viện ở hai cánh, nơi các mũi chủ công của Phương diện quân Byelorussia 1, 3 và Baltic 1 thực hiện các đòn vu hồi thọc sâu. Trong hồi ký của mình, Nguyên soái G. K. Zhukov đã đề cập đến vai trò của chiến dịch Mogilev như sau:

Như tôi đã nói ở trên, Phương diện quân Byelorussia 2 lúc này do thượng tướng G. F. Zakharov làm tư lệnh (ủy viên Hội đồng quân sự là L. Z. Mekhlis, tham mưu trưởng là trung tướng A. N. Bogolyubov) có nhiệm vụ mở mũi đột kích thứ yếu vào hướng Mogilev - Minsk. Ở đây không có những phương tiện đột phá mạnh để cho tất cả những tập đoàn quân thê đội 1 có thể tiến công cùng một lúc.Thật vậy, nếu như những quả đấm đột kích của Phương diện quân Byelorussia 1 và Byelorussia 3 chưa tiến được sâu vào đội hình bố trí của cụm tập đoàn quân "Trung tâm" của địch, thì việc hất địch ra khỏi khu vực phía đông Mogilev cũng không có ý nghĩa.
— G. K. Zhukov, [2]

Theo đó, Tập đoàn quân số 49 - lúc này đang đóng trong một khu vực 12 cây số - là đơn vị mở mũi đột kích chính vào hướng Mogilev. Tập đoàn quân này sẽ phải vượt sông Pronya, đánh vào khoảng tiếp giáp của quân đoàn thiết giáp số 39 và quân đoàn bộ binh số 3 (Đức). Do bị hạn chế về lực lượng tăng thiết giáp, hạt nhân của lực lượng khai thác đột phá khẩu là một lữ đoàn xe tăng độc lập với lực lượng bộ binh đi kèm được chở trên lưng của xe tăng.[3] Các tập đoàn quân số 33 và 50 sẽ thực hiện những đợt tấn công hỗ trợ với nhiệm vụ găm giữ quân địch, tạo điều kiện thuẫn lợi cho Tập đoàn quân số 49 tấn công, và sau đó sẽ chuyển sang tiến công truy kích quân Đức khi các mũi đột phá đã xuyên thủng được phòng tuyến Đức.[4] Mục tiêu cuối cùng của chiến dịch là giải phóng các thành phố Mogilev, Shklov, Bykhov (Bychau), vượt sông Dniepr theo hướng Shklov - Mogilev và đánh chiếm các đầu cầu vượt sông nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đợt tấn công tiếp theo vào Minsk.

Là phương diện quân có binh lực yếu nhất trong số 4 phương diện quân Liên Xô tham gia Chiến dịch Bagration nhưng Phương diện quân Byelorussia 2 lại là phương diện quân có tình hình nội bộ lãnh đạo chỉ huy "lục đục" nhất trước và trong chiến dịch. Ở cấp tập đoàn quân, nguyên soái G. K. Zhukov cương quyết yêu cầu Đại bản doanh phải thay thế trung tướng V. N. Gordov, một người không có năng lực chỉ huy. Kết quả là trung tướng V. D. Kryuchenkin được cử giữ chức tư lệnh Tập đoàn quân 33. Từ sau Chiến dịch phản công chiến lược Rzhev-Sychyovka, tư lệnh tập đoàn quân 50, tướng I. V. Boldin cũng có mối quan hệ không tốt với G. K. Zhukov, người chỉ đạo Phương diện quân Byelorussia. Trong số ba chỉ huy cao nhất của Phương diện quân Byelorussia 2, thượng tướng I. Ye. Petrov, tư lệnh Phương diện quân là người vừa được STAVKA cho thôi chức tư lệnh Tập đoàn quân độc lập Duyên hải, Trung tướng L. Z. Mekhlis là người đã bị kỷ luật cách chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng và giáng cấp hàm xuống trung tướng sau thất bại của Phương diện quân Krym tại Chiến dịch Kerch (1942). Trung tướng A. N. Bogolyubov, một cán bộ tham mưu rất có tài vạch kế hoạch và điều hành chỉ huy nhưng cũng rất nóng tính.[5]

Ngay sau khi tiếp nhận Sở chỉ huy mới tại Mstislavl, giữa L. Z. MekhlisI. Ye. Petrov đã xảy ra hục hặc. Trong khi I. Ye. Petrov và A. N. Bogolyubov dốc sức xây dựng kế hoạch tấn công cho phương diện quân thì L. Z. Mekhish lại "ngồi lê đôi mách" với I. V. Stalin rằng I. Ye. Petrov không có khả năng chỉ huy, rằng ông có vẻ bệnh hoạn và hay lui tới các bác sĩ làm mất thì giờ. Trong khi đó, Bộ Tổng tham mưu quân đội Liên Xô hoàn toàn tin tưởng vào năng lực chỉ huy và kinh nghiệm của I. Ye. Petrov đã được thử thách khi chỉ huy cuộc phòng thủ Sevastopol (1941-1942), Cụm quân Biển Đen (1942-1943) và Tập đoàn quân độc lập Duyên hải. Vì lợi ích của chiến dịch, không thể để một bộ máy chỉ huy một phương diện quân làm việc trong tình trạng mâu thuẫn, ngày 6 tháng 6 năm 1944, I. V. Stalin chỉ thị triệu hồi I. Ye. Petrov về Đại bản doanh. Ngày 5 tháng 8 năm 1944, I. Ye. Petrov được cử làm tư lệnh Phương diện quân Ukraina 4 (thành lập lần 2 trên hướng Carpath). Người thay thế I. Ye. Petrov là thượng tướng G. F. Zakharov, một viên tướng có kinh nghiệm chỉ huy thành công tại Tập đoàn quân cận vệ 2 ở mặt trận Krym. Không muốn việc chỉ đạo chuẩn bị chiến dịch ở Phương diện quân Byelorussia 1 bị gián đoạn, G. K. Zhukov ủy quyền cho thượng tướng S. M. Stemenko, Phó tổng tham mưu trưởng và thượng tướng Ya. T. Tserevichenko, Tư lệnh các lực lượng dự bị chiến lược thay mặt ông xử lý công tác chuẩn bị chiến dịch ở Phương diện quân Byelorussia 2[6][7]

Là một người sôi nổi nhưng lại có khi bốc đồng không đúng lúc đúng chỗ, ngay trong buổi họp bàn giao-tiếp nhận phương diện quân ngày 7 tháng 6, G. F. Zakharov tuyên bố rằng ở đây mọi việc đều "hỏng bét" cả và ông phải làm lại từ đầu. Ông còn đề nghị chuyển đổi hướng tấn công chính từ dải của Tập đoàn quân 49 sang dải của Tập đoàn quân 50 với lý do tránh phải vượt sông Pronya mà không chịu đi nghiên cứu thực địa. S. M. Stemenko phải nói rõ cho G. F. Zakharov biết tính hợp lý của quyết định phê chuẩn kế hoạch tấn công của Đại bản doanh và quyết định đó là không thể thay đổi, G. F. Zakharov mới chịu rút lui ý kiến. Ngay sau đó, G. F. Zakharov lại phát ra cuốn "Sổ tay đột phá phòng ngự" ghi chép lại những kinh nghiệm của ông khi chỉ huy Tập đoàn quân cận vệ 2 tại mặt trận Krym để các cấp chỉ huy của phương diện quân "học tập". Các cử tọa của cuộc họp lại một lần nữa xôn xao tỏ ý không đồng tình. Tướng V. D. Kryuchenkin chỉ rõ rằng chiến thuật xung phong ngắn, tốc độ nhanh của bộ binh do G. F. Zakharov áp dụng ở Tavrya (Krym) sở dĩ thành công là do địa hình bằng phẳng, tuyến mặt trận hai bên ở sát gần nhau. Còn ở Byelorussia, tiền duyên của hai bên bị ngăn cách bởi dải đất trũng hai bên bờ sông Pronia rộng đến 2 km thì chiến thuật đó là không thích hợp. S. M. Stemenko ủng hộ V. D. Kryuchenkin và cuốn "Sổ tay đột phá phòng ngự" được thu hồi lại. Phải mất đến một tuần sau, tình hình công tác chỉ huy của Phương diện quân Byelorussia 2 mới ổn định trở lại.[8]

Quân đội Đức Quốc xã

Binh lực

Kế hoạch

Quân Đức ở khu vực này triển khai ba lớp phòng ngự. Lớp thứ nhất được bố trí nằm trên tuyến sông Pronya. Lớp thứ hai, theo mô tả của tướng Kurt von Tippelskirch thì:

... trên sông Dniepr, với bờ Tây rất dốc và ở đó có những khoảng trống đáng kể mà việc sử dụng xe tăng là bất khả thi, Tập đoàn quân số 4 vào mùa thu năm 1943 đã tổ chức một tuyến phòng ngự nằm giữa Bykhov và Orsha. Ngoài ra, trong vài tháng trước đó, với sự đồng thuận ngầm của Bộ tư lệnh (Cụm Tập đoàn quân Trung tâm), trái với ý định của Hitler, một tuyến phòng ngự nữa được bố trí dọc theo sông Berezina.
— Kurt von Tippelskirch, [10]

Tập đoàn quân số 4 đã xây dựng một hệ thống phòng ngự rất cứng rắn nhằm ngăn chặn các mũi đột phá của quân đội Liên Xô. Trong trường hợp phải rút lui, thành phố Mogilev được xác định là sẽ trở thành một "pháo đài" và được trấn thủ "cho đến người cuối cùng". Quân đoàn thiết giáp số 39 tại Mogilev là một trong những đơn vị mạnh nhất của Cụm Tập đoàn quân Trung tâm với binh lực gồm 4 sư đoàn thiện chiến. Rõ ràng, quân Đức nhận thức được tầm quan trọng chiến lược của thành phố Mogilev, nơi trấn giữ con đường chính đi ngang qua vùng đầm lầy của khu vực.

Tuy nhiên, do phán đoán của Bộ Tư lệnh Tối cao Lục quân Đức rằng hướng tấn công chính của quân đội Liên Xô sẽ ở khu vực Bắc Ukraina, Cụm Tập đoàn quân Trung tâm không hề chuẩn bị cho một đợt tấn công mạnh của Hồng quân tại đây. Ngay trước khi chiến dịch Bagration mở màn, khi trung tướng Robert Martinek - tư lệnh quân đoàn thiết giáp số 39 - đang đi thị sát ở tiền tuyến, một chỉ huy trung đoàn thuộc sư đoàn bộ binh số 12 (Đức) đã bày tỏ với Martinek lo ngại của mình về một cuộc tấn công mạnh của Hồng quân Liên Xô vào khu vực này. Martinek đồng ý với lo ngại của người trung đoàn trưởng, nhưng ông trả lời bằng một câu ngạn ngữ "Khi Thượng đế muốn hủy diệt ai đó, trước hết Người sẽ giáng đòn đánh một cách ngẫu nhiên" và bỏ qua sự lo ngại đó.[11] Martinek không hề biết rằng chính ông ta sẽ là "nạn nhân" đầu tiên của Thượng đế.